Trang chủ > Bài đăng báo > Hai vụ án, một hiện tượng

Hai vụ án, một hiện tượng

SGTT.VN – Dư luận chưa hết bàng hoàng về vụ án giết người dã man tại Bắc Giang vào ngày 24.8 thì sáu ngày sau đó, ngày 30.8, một vụ án giết người cướp của khác đã xảy ra tại Bình Dương. Điều đáng nói là cả hai vụ án đặc biệt nghiêm trọng này có những nét giống nhau, báo hiệu một hiện tượng mới đang diễn ra, đó là tội phạm không chuyên với cách thức vô cùng tàn bạo.

Cửa hàng vàng Ngọc Bích ở phố Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, nơi xảy ra án mạng. Ảnh: TTXVN

Qua hai vụ án, có thể phác hoạ hình ảnh của tội phạm: thanh thiếu niên, sống ở các vùng nông thôn, ít học, không có việc làm ổn định, chưa có tiền án tiền sự… “Con mồi” của đối tượng này thường là những người quen biết và khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng giết người một cách man rợ để cướp của.

Trong thời gian qua, đã có rất nhiều phản ánh về hiện tượng trộm cắp xảy ra nhan nhản ở các vùng nông thôn cũng như thành thị. Nhẹ thì là bắt gà, hái bí, ăn cắp vặt. Nặng hơn là trộm cắp tài sản, xe gắn máy… Nhiều vùng quê Việt Nam giờ đây đã không còn cảm giác yên bình. Hai vụ án nghiêm trọng vừa xảy ra chính là một hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp nghiêm trọng của các chuẩn mực đạo đức.

Hiện tại, dường như chưa có những nghiên cứu xã hội học sâu sắc xác định rõ nguyên nhân của sự xuống cấp nói trên nhưng có thể thấy lối sống thực dụng, chạy theo vật chất đang hình thành trong một bộ phận không nhỏ của thanh thiếu niên. Thói quen tiêu xài phung phí những đồng tiền không phải do mình khó nhọc làm ra nên mỗi khi có nhu cầu tiêu xài thường nghĩ đến chuyện trộm cắp. Trong khi đó, những bậc làm cha, làm mẹ thì mải lo kiếm thật nhiều tiền mà quên đi trách nhiệm giáo dục con cái…

Rồi đây, những kẻ giết người dã man trong hai vụ án vừa xảy ra sẽ bị trừng trị, nhưng bản án nào cũng không thể xoa dịu những mất mát mà những người thân của nạn nhân đang phải trải qua. Còn một nỗi đau khác lớn hơn, vượt qua nỗi đau cá nhân là nỗi đau của xã hội. Giờ đây, niềm tin của con người với con người, của con người với xã hội đang bị tổn thương hơn bao giờ hết.

Nếu không được ngăn chặn kịp thời, hiện tượng này sẽ dần lớn lên, sẽ âm thầm gặm nhấm, huỷ hoại mọi thành quả của đời sống xã hội. Hơn lúc nào hết, giờ là lúc cần sự vào cuộc nghiên cứu và tìm cho được phương thuốc hữu hiệu của những nhà tâm lý, nhà xã hội học và của cả bộ máy chính quyền thì căn bệnh này mới mong sớm được chữa khỏi, trả lại sự yên bình vốn có cho cộng đồng xã hội.

  • Trần Minh Quân

(Bài viết đăng trên SGTT ngày 5.9.2011)

  1. Không có bình luận
  1. Tháng Chín 7, 2011 lúc 2:02 sáng
  2. Tháng Chín 7, 2011 lúc 9:04 sáng
  3. Tháng Chín 7, 2011 lúc 2:34 chiều
  4. Tháng Chín 7, 2011 lúc 4:25 chiều
  5. Tháng Chín 8, 2011 lúc 8:19 sáng

Bình luận về bài viết này