“Chín non”?

Với những công trình được xây dựng đúng quy trình, đúng tiến độ mà còn không an tâm thì liệu những công trình bị thúc ép theo kiểu “chín non”, liệu có an toàn? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Người dân thì vẫn chỉ biết chờ đợi và Nhà nước thì lại phải xuất hầu bao. Nhưng tiền đó là của ai, nếu không là tiền thuế của dân?

Sau động thái có vẻ quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, một số dự án, công trình thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã về đích đúng hạn.

Những đứa trẻ chỉ lớn khi bị… ăn roi

Đơn cử, tại dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18, đoạn Mông Dương – Cửa Ông (Quảng Ninh) của liên doanh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Công ty cổ phần Việt Đức với tổng chiều dài 10.7 km, chỉ từ khi nhận được “tối hậu thư” của Bộ trưởng (tháng 9.2011), dự án mới kịp hoàn thành đúng tiến độ.

Như vậy, chỉ với ba tháng cuối năm 2011, khối lượng công việc đã hoàn thành tương đương với toàn bộ khối lượng thi công trong vòng hai năm rưỡi trước đó.

Đặc biệt, tại công trình Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, một công trình được ông Nguyễn Bá Thanh ví như là một nỗi nhục quốc thể cũng đã kịp “về đích” đúng như dự kiến sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng ra lệnh “trảm” Trưởng ban Quản lý dự án ngay tại công trường sau chuyến thị sát ngày 04.10.2011.

Chỉ trong vòng vài tháng sau khi Trưởng ban QLDA bị cách chức, dự án vốn dự kiến được bàn giao và đưa vào khai thác trong quý I năm 2010 này cũng kịp hoàn thành như yêu cầu mới, cuối năm 2011.

Qua một vài ví dụ điển hình này, chúng ta thấy rằng các nhà thầu Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng mọi yêu cầu về tiến độ và kỹ thuật thi công, ngay cả các công trình có những tiêu chuẩn khắt khe.

Tuy nhiên, hầu như họ chưa ý thức được các giá trị của việc phải đảm bảo tiến độ, chất lượng như là một minh chứng để khẳng định tên tuổi, thương hiệu của họ, chỉ khi bị dọa trảm, cắt, cách chức … thì mới có sự biến chuyển rõ rệt.

Qua bao nhiêu năm, dường như những người làm công tác quản lý dự án cũng như nhà thầu Việt Nam vẫn là một đứa trẻ “không chịu” lớn. Để họ làm được việc thì phải có người cầm cây roi đứng đằng sau dọa dẫm, hối thúc.

Đây cũng là nguyên nhân chính của một thực trạng nhức nhối đã tồn tại từ rất lâu mà không phải doanh nghiệp Việt nào cũng nhận ra. Đó là hầu như các công trình trọng điểm quốc gia, nhất là các công trình năng lượng, thủy điện lớn đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, trong khi thực ra năng lực của họ có hơn gì các doanh nghiệp Việt Nam?

Để rồi chuyện chậm trễ tiến độ đã thành một căn bệnh, thành “chuyện thường ngày ở huyện” trên khắp đất nước Việt Nam và mỗi công trình đều là một nỗi nhục quốc thể đúng nghĩa.

Dự dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18, đoạn Mông Dương – Cửa Ông được thông xe kỹ thuật sớm hơn đúng 8 giờ so với thời hạn.

….Và “chín non”

Tuy một số dự án về đích đúng hạn đã ít nhiều làm nức lòng người dân cũng như những người có trách nhiệm nhưng cũng cần nhìn nhận một thực tế là bài toán chất lượng của các công trình xây dựng có vốn đầu tư Nhà nước nói chung và một số dự án bị ép theo kiểu “chín non” như đã nêu vẫn còn là một ẩn số.

Hầu như không có ngoại lệ, chất lượng kém đã như một sự thật hiển nhiên. Hầu hết các công trình do Nhà nước đầu tư đều có vấn đề về chất lượng.

Hàng loạt các công trình mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội đã bong tróc, xuống cấp trong một thời gian ngắn. Dự án đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương xuất hiện hàng ngàn ổ gà, ổ voi chỉ sau khi đưa vào sử dụng gây hàng trăm vụ tai nạn giao thông.

Sự cố lún, nứt cầu Văn Thánh, cầu Thăng Long vẫn đang thách thức lòng kiên nhẫn của những nhà khoa học lẫn người dân … Và mới đây, một vài sự cố đã xảy ra ngay chính công trình nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng.

Khi trả lời báo chí về sự cố kỹ thuật này, ông Nguyễn Hoàng Liên, Chánh Văn phòng Tổng công ty cảng Hàng không miền Trung cho biết đây chỉ là khiếm khuyết nhỏ và đã được xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, đây có phải là những lỗi nhỏ duy nhất của dự án nghìn tỉ này hay không thì chỉ có thời gian mới có câu trả lời chính xác.

Nhiều người vẫn có quyền hoài nghi về chất lượng của công trình này cũng như một số công trình khác đang “về đích” trong tư thế bị dồn đến chân tường. Đây cũng là điều dễ hiểu khi rất nhiều khiếm khuyết từ những dự án tương tự đã xảy ra và nhất là lại được thi công trong điều kiện “tướng đã bị trảm” như thời gian vừa qua.

Thực tế cho thấy mặc dù các công trình đều xuất hiện lỗi sau khi bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng hầu như vẫn không xác định được trách nhiệm cá nhân cụ thể nào. Hết thời gian bảo hành thì nhà thầu phủi tay, xem như hết trách nhiệm còn hậu quả do những yếu kém, khiếm khuyết thì chỉ có người dân, người thụ hưởng công trình ấy gánh chịu.

Rõ ràng, dù muộn màng nhưng có vẫn hơn không, đó là cần phải xem xét lại trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân và các bên liên quan trong quá trình đấu thầu, quản lý cũng như thi công các công trình có vốn đầu tư Nhà nước. Ai là người có liên quan thì phải gắn trách nhiệm cá nhân của mình trong suốt chu kỳ sống của công trình ấy thì mới mong có những công trình đảm bảo chất lượng.

Hầu hết các công trình xây dựng đều được thiết kế với tuổi đời hàng trăm năm nếu không muốn nói là vĩnh viễn, nhưng trách nhiệm chỉ có giá trị trong… một vài năm, lại không được phân biệt rạch ròi thì nguồn vốn ngân sách vẫn cứ phải rót đều để sửa chữa những lỗi mà đáng ra phải có một vài cá nhân, tổ chức nào đó gánh chịu.

Đáng buồn thay, một bộ mặt nhơ nhớp trong công tác quản lý, xây dựng vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi.

Hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một vài đoạn đường, một số cây cầu được xây dựng từ thời Pháp, đều có tuổi thọ đến hàng trăm năm nhưng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Thiết nghĩ ngày nay, với điều kiện khoa học phát triển hơn, con người với trách nhiệm và nhân văn hơn với xã hội, với đồng loại, thì những công trình thời hiện đại phải chất lượng hơn hẳn những công trình do “bọn đế quốc” xây dựng mới hợp lý.

Nhưng đáng buồn thay, một bộ mặt nhơ nhớp trong công tác quản lý, xây dựng vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi.

Hàng ngày, người dân vẫn phải sử dụng những công trình, vẫn phải di chuyển trên những cung đường và… nơm nớp lo sợ tai ương ập đến bất cứ lúc nào. Với những công trình được xây dựng đúng quy trình, đúng tiến độ mà còn không an tâm thì liệu những công trình bị thúc ép theo kiểu “chín non”, liệu có an toàn?

Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Người dân thì vẫn chỉ biết chờ đợi và Nhà nước thì lại phải xuất hầu bao.

Nhưng tiền đó là của ai, nếu không là tiền thuế của dân?

(Bài đăng trên Tuần Việt Nam ngày 19.01.2012)

Tuyển dụng công chức và nỗi xấu hổ

Vậy khi nào thì chất lượng tuyển dụng cũng như chất lượng công chức được cải thiện? Khi nào thì những người đủ tài đức có thể tham gia gánh vác trách nhiệm cải thiện hiệu quả công việc tại các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước? Câu trả lời chắc vẫn còn ở thì tương lai.

Ở đâu, thời nào cũng vậy, chất lượng nhân sự là yếu tố quyết định cho sự thành công của mọi tổ chức, từ doanh nghiệp đến các cơ quan hành chính nhà nước.

Quan trọng nhất: Công khai, minh bạch

Do đó, để đảm bảo chất lượng như mong muốn, đáp ứng yêu cầu công việc, không còn cách nào khác, người ta phải kiểm soát chặt chẽ, liên tục cải tiến để xây dựng quy trình tuyển dụng phù hợp nhất. Từ khâu chọn lựa đối tượng dự tuyển, tổ chức thi tuyển và đào tạo sau khi người lao động được tuyển dụng.

Quan trọng hơn cả là các bước tiến hành đều phải được giám sát bằng một hội đồng có đủ trình độ, kinh nghiệm cho từng vị trí xét tuyển và nhất là phải được công khai minh bạch.

Không phải ngẫu nhiên khi mà hiện nay, các tổ chức “săn đầu người”, tuyển dụng thuê đang ngày một phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Khi mà yêu cầu cho công việc, nhất là đối với các vị trí nhân sự cao cấp, càng nâng cao. Và các tổ chức doanh nghiệp tự xét thấy mình không đủ điều kiện hoặc không có quy trình tuyển dụng hợp lý để tuyển dụng được người phù hợp, thì họ phải nhờ đến các tổ chức tuyển dụng độc lập.

Chỉ có vậy thì mới mong nhận được người đủ trình độ, đáp ứng được yêu cầu và đảm bảo tính minh bạch, công bằng.

Tại các tổ chức hay doanh nghiệp nước ngoài có danh tiếng, quy trình tuyển dụng càng được tổ chức nghiêm ngặt. Đơn cử, cách đây chừng 10 năm, Tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng Procter & Gamble đã có một quy trình tuyển dụng nhân viên bình thường với trình độ kỹ sư, cử nhân bằng nhiều bước khác nhau, mỗi bước đủ để lọc ra những người không đủ điều kiện theo yêu cầu công việc.

Cụ thể như sau:

Bước 1 (thi tuyển): Các ứng viên cho từng vị trí được tổ chức thi tuyển cùng lúc trên giấy. Hàng trăm câu hỏi được đưa ra xoay quanh kiến thức chuyên môn và cả những kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội… trong nước và quốc tế.

Bước 2 (thảo luận nhóm): Các ứng viên được tổ chức thành nhóm với nhiều vị trí công việc giả định. Đề tài được nhà tuyển dụng đưa ra là một vấn đề phát sinh trong thực tế công việc. Mỗi ứng viên trong nhóm tương ứng với các vị trí công việc khác nhau cùng thảo luận, tranh luận trong một khoản thời gian nhất định và thống nhất được cách xử lý cuối cùng.

Bước 3 và 4 (phỏng vấn trực tiếp): Các ứng viên được lựa chọn qua hai bước trên được phỏng vấn trực tiếp xoay quanh nhiều chủ đề từ chuyên môn, đời sống, quan hệ xã hội, sở thích và cả quan điểm cá nhân về một vấn đề nào đó … bằng tiếng Việt (bước 3) và tiếng Anh (bước 4).

Sau cùng, các ứng viên sẽ được chọn lọc bằng cách tính điểm từ một hội đồng tuyển dụng gồm nhiều người có kinh nghiệm hay các nhà quản lý.

Có thể tại mỗi tổ chức hay doanh nghiệp có uy tín khác trên thế giới có một quy trình tuyển dụng khác nhau. Nhưng nhìn chung là vẫn đảm bảo đủ độ khắt khe và hoàn thiện để lựa chọn và không bỏ sót những người giỏi.

Các thí sinh tham gia kỳ thi tuyển công chức hành chính. Ảnh: TTO

Loay hoay cách làm cũ kỹ, lạc hậu

Trong khi đó thì tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước hay các cơ quan hành chính đang tổ chức việc tuyển dụng công chức như thế nào?

Đáng buồn là sau bao nhiêu năm đổi mới, chúng ta đã từng bước hội nhập thế giới, được tiếp cận với nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ quản lý tiên tiến nhưng quy trình tuyển dụng công chức tại Việt Nam vẫn đang loay hoay với cách làm cũ kỹ, lạc hậu và đặc biệt là thiếu minh bạch.

Đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước và đã được đưa vào nghị quyết chất vấn trong kỳ họp Quốc hội vừa qua. Đó là các vấn đề tuyển dụng, đào tạo, chế độ đối với cán bộ, công chức Nhà nước, giải pháp nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền ở cơ sở.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhu cầu tuyển dụng cán bộ Nhà nước thường không hoặc ít được thông báo công khai. Công tác tuyển dụng được tổ chức sơ sài qua một vài kỳ thi được gọi là thi tuyển công chức với nhiều câu hỏi vô thưởng vô phạt hay mang tính đánh đố như “Diện tích, số dân của địa phương X là bao nhiêu?”.

Do sợ “mất lòng” nên tại không ít cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, số lượng viên chức nhiều hơn rất nhiều lần so với nhu cầu. Dư luận từng có phản ánh chuyện tại một số cơ quan, khi không biết bố trí nhân sự vào đâu do quá dư thừa nên người ta lập nên nhiều phòng được gọi vui là “Phòng Không phòng”.

Ở đó, những người vô công rỗi nghề, không làm được việc gì thì được “nhét” vào. Thực trạng kêu ca lương thấp cũng phát xuất từ đây. Thay vì chỉ cần 30 người mà phải trả lương cho 60 người thì không thấp mới là chuyện lạ…

Đó là chưa kể đến những yêu cầu không đáng có cho nhiều vị trí tuyển dụng như lý lịch tốt, nhân thân tốt, hay phải là đảng viên…

Công tác tuyển dụng công chức vẫn mang nặng tính hình thức. Tình trạng gửi gắm con cháu hay cơ cấu từ trước diễn ra phổ biến. Ngay cả khi bỏ qua các yếu tố “khách quan” này thì chỉ thông qua một vài động tác thi tuyển sơ sài như thế, thật khó để nhận biết ai là người có khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc.

Cũng vì thi tuyển quá sơ sài nên những quy định kiểu như phân biệt người học công lập hay ngoài công lập của một vài địa phương trong thời gian qua có phần kệch cỡm.

Dư luận đã không ít lần phản ánh có nhiều trường hợp có đủ điều kiện để đảm nhận công việc nhưng không hề được tuyển dụng. Để rồi xảy ra tình trạng chỗ cần thì không có, chỗ có thì không cần hay có nhưng không đảm bảo được yêu cầu công việc.

Hiện nay, do sợ “mất lòng” nên tại không ít cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, số lượng viên chức nhiều hơn rất nhiều lần so với nhu cầu. Dư luận từng có phản ánh chuyện tại một số cơ quan, khi không biết bố trí nhân sự vào đâu do quá dư thừa nên người ta lập nên nhiều phòng được gọi vui là “Phòng Không phòng”.

Ở đó, những người vô công rỗi nghề, không làm được việc gì thì được “nhét” vào. Thực trạng kêu ca lương thấp cũng phát xuất từ đây. Thay vì chỉ cần 30 người mà phải trả lương cho 60 người thì không thấp mới là chuyện lạ…

Thực trạng này có mới không? Xin thưa chắc chắn là không! Thậm chí những nhà quản lý, lãnh đạo đều biết rất rõ là đằng khác. Mặc dù được nhiều người lên tiếng nhưng cách thức đó vẫn thản nhiên được nhiều người, nhiều cơ quan áp dụng.

Vậy khi nào thì chất lượng tuyển dụng cũng như chất lượng công chức được cải thiện? Khi nào thì những người đủ tài đức có thể tham gia gánh vác trách nhiệm cải thiện hiệu quả công việc tại các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước?

Câu trả lời chắc vẫn còn ở thì tương lai.

Có lẽ phải đợi những mệnh lệnh nghiêm khắc từ các nhà lãnh đạo cấp cao được ban ra, hay may mắn hơn là khi những nhà quản lý, lãnh đạo của các cơ quan đơn vị này cảm thấy xấu hổ với bộ mặt lem luốc tại cơ quan mình thì tình hình mới mong được cải thiện.

(Bài viết đăng trên Tuần Việt Nam ngày 13.12.2011)

Bệnh viện quá tải: Còn “choáng”, “sốc” đến bao giờ?

Lần này bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng tỏ ra rất quyết tâm để xóa sổ tình trạng BV quá tải. Nhưng xem ra câu chuyện còn lâu mới có hồi kết khi mà dường như bà Bộ trưởng vẫn chưa “bắt” đúng bệnh và chưa có “phác đồ điều trị” một cách toàn diện.

“Choáng”, “ngộp thở”, “sốc”… là những từ mà báo chí đã dùng để mô tả tình trạng quá tải tại các bệnh viện (BV) sau chuyến “vi hành” vào cuối tháng 11 vừa qua của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Nơi chen chúc và thiếu… nhiều thứ nữa

Quả thật, không thể dùng từ nào khác hơn khi chính bà Bộ trưởng cũng thừa nhận: “Không nơi nào BV quá tải như Việt Nam”, tức là Việt Nam sẽ có nhiều khả năng đoạt giải “vô địch thế giới” nếu lấy tiêu chí này để thi thố.

Đúng là không choáng sao được khi báo Dân trí phản ánh nhiều bệnh nhân đã … vén mùng lóp ngóp bò ra để đón chào sự hiện diện của bà Bộ trưởng. Đau xót hơn là có được vị trí dưới gầm giường đã là may mắn (!), khi nhiều bệnh nhân khác còn không có chỗ để đặt lưng ngay cả ngoài hành lang.

Tình trạng quá tải đến mức phải “choáng” này đã được lãnh đạo các BV thừa nhận. Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung Bướu thì: “Số giường thực kê của BV chỉ có 631 giường; nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú hiện 1.807 người và số ngoại trú 9.510 người, nên tình trạng nằm ghép, nằm hàng lang, nằm dưới gầm giường là không thể tránh khỏi”.

Đáng nói hơn, đây không phải là trường hợp cá biệt.

Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 thì trung bình mỗi ngày khám khoảng 5.000 – 6.000 trẻ, có ngày đột biến tăng lên 7.000. Trong lúc BV chỉ có khoảng 700 giường nhưng thường xuyên phải đáp ứng cho 1.500 – 1.600 bệnh nhân.

Đối với BV Chấn thương chỉnh hình cũng thế. Theo bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV này thì mỗi ngày BV phải khám chữa bệnh cho khoảng 4.000 người. Đồng thời ông cũng cho biết thêm là tình trạng quá tải trong ngành chấn thương chỉnh hình xảy ra ở hầu hết các tuyến. Vì thực tế cả nước mà chỉ có 1.300 bác sĩ chấn thương chỉnh hình phục vụ cho hơn 80 triệu dân.

Như vậy, hầu hết các BV chuyên khoa tuyến trên đều hoạt động với 200 – 300% công suất. Nên không xảy ra quá tải mới là chuyện lạ.

Thực trạng này vẫn sẽ còn nhức nhối lâu dài bởi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao, trong khi môi trường sống ngày càng ô nhiếm, là cơ hội tốt cho bệnh tật sinh sôi nảy nở.

Thực ra chuyện quá tải tại các BV, nhất là các BV tuyến trên tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đã là chuyện của nhiều năm trước, và gây bức xúc xã hội không kém chuyện tai nạn và ùn tắc giao thông.

Thiết nghĩ, không cần phải chờ đến chuyến “vi hành” vừa rồi, bà Bộ trưởng chắc cũng không xa lạ gì với thực trạng này. Trước đây, khi vừa nhậm chức, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng đã từng cam kết giải quyết tình trạng này. Nhưng đến nay vẫn không có gì thay đổi, thậm chí tình trạng quá tải ngày càng trầm trọng hơn.

Nhắc lại những chuyện BV quá tải để thấy rằng đây là vấn đề không hề mới. Nhưng dường như trong một thời gian dài, ít nhất là cũng đã hai nhiệm kỳ bộ trưởng, ngành y tế vẫn đang loay hoay trong một mớ bòng bong. Lãnh đạo ngành cũng đã từng nhận biết, từng tranh luận, từng giải quyết… Nhưng kết quả thì vẫn “choáng”, vẫn “sốc” như ngày nào.

Sau bao nhiêu lần kiểm tra, tìm hiểu, nghiên cứu, hội thảo… rốt cuộc cũng chẳng phát hiện được gì mới. Vẫn những nguyên nhân cũ rích như đầu tư không đúng mức, thiếu kinh phí, thiếu thốn trang thiết bị, thiếu y bác sĩ, khám chữa bệnh trái tuyến…

Chỉ không thấy ai nhắc tới khả năng chúng ta đang thiếu một vị lãnh đạo ngành đủ tâm, đủ tầm, thực sự biết quan tâm đến sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân.

Xem thực trạng BV quá tải kéo dài này và mới đây là cách xử lý lúng túng trong việc phòng chống dịch tay chân miệng ở trẻ em cũng đủ nói lên tất cả.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân tại bệnh viện Ung bướu (TP HCM)

Nơi ế ẩm, và cũng thiếu… nhiều thứ khác

Ở tầm vĩ mô, không thể không nhắc đến một nghịch lý đã và đang tồn tại. Cụ thể là công tác quy hoạch trong quá trình phát triển xã hội.

Sau hàng chục năm, số BV được xây mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay đều quá cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó thì số lượng sân golf phát triển đến chóng mặt. Nhà cao tầng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, resort… mọc lên như nấm. Khu công nghiệp thì xây dựng tràn lan nhưng thu hút đầu tư kém, gây lãng phí nghiêm trọng.

Sở dĩ nhiều địa phương không mặn mà với việc xây mới, nâng cấp, mở rộng BV là vì tỉ lệ sinh lợi từ các giường bệnh là chậm và không đáng kể so với các hoạt động, đầu tư, kinh doanh địa ốc, sân golf… Trong khi cánh cửa mở ra cho tư nhân vào lĩnh vực này còn hạn chế.

Nhưng vẫn có một thực tế khác tréo ngoe, đó là hầu như các BV tuyến dưới, BV địa phương đều trong tình trạng “ế ẩm”. Đa số chỉ hoạt động trên dưới 50% công suất. Đây là một thực trạng yếu kém và lãng phí vô cùng lớn trong ngành y tế.

Nguyên nhân chính để lý giải cho tình trạng “ế ẩm” này là do thiếu thốn trang thiết bị và đặc biệt là tay nghề của các bác sĩ ở đây không cao, nếu không muốn nói là yếu kém.

Thời gian qua, dư luận lên tiếng về nhiều ca tử vong chỉ vì sự tắc trách của y bác sĩ. Bệnh nhân đã không còn tin tưởng để phó thác tính mạng của mình cho những bác sĩ và BV như thế ở tuyến dưới.

Thực tế là mặc dù việc di chuyển, đi lại đến các thành phố lớn để khám chữa bệnh không hề rẻ, lại phải chấp nhận nằm ghép, nằm ở hành lang với mức chi phí cao hơn, nhưng người bệnh vẫn phải chấp nhận chi trả, bởi vì đã có bệnh thì không thể không chữa.

Việc quá tải ở các BV tuyến trên không hoàn toàn phụ thuộc vào viện phí mà còn vì nhiều yếu tố khác, trong đó, chất lượng khám chữa bệnh mới là yếu tố quyết định.

Xem ra, ngay cả khi có tiền, thì ước muốn mong được hưởng một dịch vụ y tế tốt hơn của Nhà nước, vẫn còn quá xa vời.

Trong khi chờ đợi các BV mới với đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ có tay nghề cao để giảm tải các BV tuyến trên, thì trước tiên cần cải thiện hình ảnh và chấn chỉnh tình trạng “be bét” của các BV  tuyến dưới.

Chỉ bằng cách tạo dựng uy tín, các BV tuyến dưới mới mong thu hút bệnh nhân khám chữa bệnh đúng tuyến. Và quan trọng là không lãng phí một nguồn lực rất lớn của quốc gia.

Cũng như vị Bộ trưởng tiền nhiệm, lần này bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng tỏ ra rất quyết tâm để xóa sổ tình trạng BV quá tải. Nhưng xem ra câu chuyện còn lâu mới có hồi kết khi mà dường như bà Bộ trưởng vẫn chưa “bắt” đúng bệnh và chưa có “phác đồ điều trị” một cách toàn diện.

Nên xem ra, ngay cả khi có tiền, thì ước muốn mong được hưởng một dịch vụ y tế tốt hơn của Nhà nước, vẫn còn quá xa vời.

(Bài viết đăng trên Tuần Việt Nam ngày 08.12.2011)

ĐIÊN ĐẦU VÌ CHUYỆN LÃI/LỖ XĂNG DẦU

Tháng Mười Hai 2, 2011 5 bình luận

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội vào ngày 24.11.2011, Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ đã dẫn ra rất nhiều con số chi tiết về giá than, giá điện, giá xăng dầu… Trong đó có số liệu về lỗ/lãi của Petrolimex.

Cụ thể, năm 2008, Petrolimex đã lãi 913,7 tỷ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỷ đồng, năm 2009, lãi 3.217 tỷ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỷ đồng, năm 2010, doanh nghiệp này lãi 314 tỷ, trong đó xăng dầu lỗ 172 tỷ đồng, nhưng các ngành khác lại lãi gần 200(?) tỷ đồng. “Cho nên, tính tổng lại thì xăng dầu vẫn lãi, và trong ba năm thì Petrolimex đều có lãi cả”, Bộ trưởng Huệ khẳng định.

Nhưng thật bất ngờ khi ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng lại đưa ra một thông tin khá khác biệt. Cụ  thể, năm 2008 Petrolimex lãi hơn 913 tỷ đồng, năm 2009 lãi 2.880 tỷ đồng, năm 2010 lãi 81 tỷ đồng, và năm 2011 dự kiến lãi cả năm khoảng 598 tỷ đồng. “Trong ba năm từ 2008 – 2010, tính về tổng thể, doanh nghiệp này có lãi, nhưng riêng kinh doanh xăng dầu bị lỗ. Tuy nhiên do doanh nghiệp này không giải thích cặn kẽ, chi tiết nên đã khiến dư luận hiểu nhầm rằng kinh doanh xăng dầu có lãi”. Bộ trưởng Hoàng khẳng định lại.

Ngay sau đó, một thông tin được xem là “cải chính” lại khẳng định “lãi ba năm liên tiếp” của Bộ trưởng Vương Đình Huệ tại Quốc hội bằng công văn số 16098/BTC-VP được đăng tải vào ngày 25.11.2011 trên website Bộ Tài chính.

Hình chụp công văn số 16098/BTC-VP được đăng tải trên website Bộ Tài chính

Công văn này cho biết, theo báo cáo kết quả kiểm toán của Deloitte thì kết quả kinh doanh phản ánh trên báo cáo tài chính của Petrolimex qua các năm 2008, 2009, 2010 đều có lãi, nguyên văn như sau:

+ Năm 2008: kinh doanh xăng dầu lãi + 642 tỷ đồng; các hoạt động khác lãi + 376 tỷ đồng; tổng hợp chung lãi + 1.018 tỷ đồng;

+ Năm 2009: kinh doanh xăng dầu lãi + 2.660 tỷ đồng; các hoạt động khác lãi + 557 tỷ đồng; tổng hợp chung lãi + 3.217 tỷ đồng;

+Năm 2010: kinh doanh xăng dầu lỗ – 172 tỷ đồng; các hoạt động khác lãi + 486 tỷ đồng; tổng hợp chung lãi + 81 tỷ đồng;

+ Về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2011 thì theo báo cáo quyết toán hợp nhất 6 tháng đầu năm 2011 của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (gồm văn phòng Tổng công ty và 42 công ty công ty thành viên) kinh doanh xăng dầu lỗ 1.840 tỷ đồng.

Thử nhìn lại con số của năm 2010, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đưa ra tại Quốc hội là lãi 314 tỉ đồng, trong khi con số của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại là lãi 81 tỉ đồng. Con số 81 tỉ đồng này lại trùng khớp với số đưa ra trong công văn “cải chính” của Bộ tài chính (số liệu này vẫn còn trên website đến 22h, ngày 02.12.2011). Trong khi nếu theo như cách tính của các năm 2008, 2009 (theo công văn) thì con số lãi đúng ra phải là 314 tỉ đồng (486 – 172 = 314). Hai con số này lệch nhau đến 233 tỉ đồng.

Ngoài ra, nếu so sánh giữa các con số lỗ/lãi được đưa ra từ hai bộ Tài chính và Công thương cũng thấy chênh lệch nhau rất lớn. Đơn cử, vào năm 2009, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra con số lãi là 2.880 tỉ đồng, trong khi trong công văn “cải chính”, con số Bộ Tài chính đưa ra là 3.217 tỉ đồng, chênh nhau 337 tỉ đồng.

Trước đó, vào ngày 20.9.2011, tại cuộc hội thảo về cơ chế kinh doanh xăng dầu, do Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội, lãnh đạo Petrolimex cho biết là từ năm 2006 đến nay, doanh nghiệp này đã “dồn dập” lỗ mỗi năm hàng trăm tỷ đồng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó đỉnh điểm là năm 2008 lỗ đến 10.700 tỷ đồng. Riêng năm 2011, tính đến cuối tháng 8, doanh nghiệp này đã lỗ tới 1.800 tỷ đồng, ước hết tháng 9 lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng.

Nếu so sánh con số lỗ “khủng” trong kinh doanh xăng dầu của năm 2008 do vị lãnh đạo Petrolimex này cung cấp với con số vừa được Bộ tài chính công bố (lãi 642 tỉ đồng) thì độ chênh nhau vô cùng lớn, lên đến 11.342 tỉ đồng. Đó là chưa kể đến các sai lệnh nhỏ khác liên quan đến con số lỗ khoảng 1.800 tỉ đồng khi mỗi nơi đưa ra theo nhiều mốc thời gian khác nhau, lúc thì 6 tháng đầu năm hay 8, 9 tháng đầu năm.

Tạm liệt kê một số con số như biết “nhảy múa” kia cũng đủ khiến cho nhiều người sửng sốt, thậm chí kinh ngạc. Quả thật là không thể hiểu nổi khi chỉ với riêng Potrolimex, các con số lãi/lỗ sau khi được tính toán bằng các phép tính cộng trừ đơn giản mà lại khiến cho người đọc như đi lạc vào một mê hồn trận, không có lối thoát.

Dư luận đang rất quan tâm về tính hiệu quả của các DNNN khi các DN này đang sở hữu và kinh doanh trên một lượng vốn rất lớn của nhà nước. Chỉ riêng một Petrolimex mà đã tù mù, rối rắm như thế thì thử hỏi với các ông lớn lại kinh doanh đa ngành, đa nghề khác như PVN, EVN hay Vinashin thì sẽ như thế nào?

Đi kèm với những phát triển vượt bậc về kinh tế, về khoa học kỹ thuật cũng như các công cụ tính toán, cứ ngỡ rằng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng nhìn lại các con số được đưa ra từ phía lãnh đạo Petrolimex, đến lãnh đạo các Bộ Công thương, Bộ Tài chính thì mới biết dường như cách tính toán đang được mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu và điều này sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy có gì đó bất minh.

Đáng nói là sau những con số này được đưa ra công khai, vẫn chưa thấy một cơ quan có trách nhiệm như Kiểm toán nhà nước hay Ủy ban kiểm tra tài chính của Quốc hội lên tiếng, ít nhất là chỉ để làm rõ và giải thích cho dư luận tỏ tường.

Quả thật, chuyện giá cả, lãi/lỗ của chỉ riêng xăng dầu mà đã khiến nhiều người cảm thấy điên cái đầu và hoa cả mắt. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ biết cái “giải pháp của mọi giải pháp” như Bộ trưởng Vương Đình Huệ từng nói tại Quốc hội vừa qua còn lâu mới thực hiện được.

  • TRẦN MINH QUÂN

“Nỗi đau mất mát” nhân đôi

Tháng Mười Hai 2, 2011 9 bình luận

Ông André Menras- Hồ Cương Quyết

Với những ai đang mang trong mình dòng máu Việt, dù chỉ còn một chút lương tri hay một chút suy tư cùng đất nước ắt hẳn sẽ biết đau cùng nỗi đau mất mát của đồng bào mình đang ở tít ngoài đảo xa, nơi ấy có tên gọi Lý Sơn.

Ngày ấy, Lý Sơn từng là quê hương những đoàn hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Đoàn hùng binh ấy đã bao lần một đi không trở lại để bảo vệ chủ quyền bở cỏi ngoài khơi xa của tổ quốc, Hoàng Sa – Trường Sa. Và ngày nay, mãnh đất khắt nghiệt chỉ có nắng, gió, bão bùng ấy vẫn liên tục sản sinh ra nhiều người con luôn sẵn lòng về với biển, nơi mà cha ông họ đã từng đặt chân đến và khẳng định chủ quyền quốc gia .

Họ không còn được gọi là những hùng binh như xưa, nhưng họ vẫn luôn có mặt và được xem như là những cột mốc sống trên biển, ngày đêm luôn phải đối diện với thiên tai, nhân tai bất ngờ. Họ là ngư dân Lý Sơn, những người con đất Việt mà nỗi khát khao về với biển, về với Hoàng Sa chưa bao giờ tắt.

Lý Sơn có thể được gọi với nhiều cái tên. Gọi là đảo không chồng, đảo trông chồng, đảo mồ côi hay đảo mộ gió… đều được cả, bởi tên gọi nào cũng đúng, cũng phù hợp với những gì đã và đang diễn ra ở nơi đây.

Có lẽ, không có nơi nào buồn và tan thương bằng Lý Sơn. Bao đời nay, chuyện gia đình ly tán, vợ góa chồng, trẻ mồ côi đã là chuyện thường ngày. Đến giờ, đã có bao nhiêu người mẹ xa con, vợ xa chồng, con xa cha hay đã có bao nhiêu mộ gió được đắp vội trên cát… chắc cũng không ai biết được, chỉ biết rằng nỗi đau vô tận cùng ấy vẫn chưa hề dứt, thậm chí còn đau hơn khi rãi rác luôn có người phải bỏ mạng vì những chiếc tàu lạ mà đích thị là tàu Trung Quốc tấn công, bắt bớ, đánh đập, nhấn chìm…

Đáng lý ra nỗi đau ấy phải được ghi nhận, chia sẻ  bằng một cái gì đó bởi những người con đất Việt máu đỏ da vàng. Nhưng  buồn thay, nó lại được một người Việt không phải da vàng, ông André Menras,  thốt lên. Thật đáng quý và may mắn gì hơn cho người Việt Nam khi có một người “đồng bào” như thế. Hãy nghe ông chia sẻ: “Mục đích chính của bộ phim là để ngư dân, những bà vợ góa, đồng bào tại nơi ấy nói những gì mình muốn nói. Từ đó để giải tỏa nỗi đau của họ, để bày tỏ lòng yêu quê hương, yêu nước của họ. Để Tổ quốc của họ nghe, chia sẻ, ủng hộ. Để dư luận nước ngoài có một phản ứng phẫn nộ, đoàn kết và hỗ trợ…”

Nhưng thật không may, ý nguyện chia sẻ cái “nỗi đau mất mát” ấy lại không được một số người ủng hộ. Bằng chứng là bộ phim đã bị yêu cầu ngưng chiếu giới thiệu với thân hữu khi vẫn chưa được bắt đầu.

Trong một bài hát nào đó Trịnh Công Sơn đã viết “… người chết hai lần, thịt da nát tan”. Dù hai sự việc, hai hình ảnh khác nhau, diễn ra trong một thời điểm, hoàn cảnh khác nhau nhưng sao giống nhau quá. Cấm công chiếu bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát” chẳng khác nào khiến cho nỗi đau, sự mất mát ấy được nhân đôi.

  • Trần Minh Quân

Không thể quản lý văn hóa một cách thô bạo

Quản lý văn hóa, trước hết cần những người có am hiểu và nhất là phải có văn hóa. Chúng ta không thể quản lý văn hóa và văn hóa sẽ không thể phát triển hay được bảo tồn bằng cách ứng xử thô bạo, tùy hứng. Đó là một thực tế mà những người được giao trọng trách quản lý văn hóa, cần nhìn nhận và thấu hiểu.

Văn hóa là một lĩnh vực khá rộng và trừu tượng. Văn hóa có liên hệ mật thiết với mọi mặt của đời sống xã hội và đặc biệt là nó luôn vận động không ngưng nghỉ. Do đó, việc quản lý văn hóa được xem là một lĩnh vực rất khó khăn, nhất là khi các giá trị văn hóa thường được xác định dưới dạng định tính, qua một quá trình lâu dài nhưng lại rất dễ bị các định kiến chủ quan dẫn dắt.

Quản lý văn hóa… mỗi nơi một kiểu

Nói như thế để biết rằng muốn quản lý và điều chỉnh những hành vi, sự việc thuộc phạm trù văn hóa rất cần những cái đầu có đủ trí tuệ nhưng phải thật sáng suốt, công minh dựa trên một nền tảng pháp luật rõ ràng, minh bạch. Nói cách khác, không thể quản lý văn hóa bằng sự cảm tính và nhất là lấy cái “phản” văn hóa để quản lý văn hóa.

Nếu để những điều này xảy ra thì thật là tai hại. Nhưng thật không may, đang có những biểu hiện như thế trong cung cách quản lý văn hóa tại xã hội chúng ta thời gian qua, khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng như việc quản lý, tôn tạo các di tích lịch sử, quản lý việc phát hành sách, tổ chức biểu diễn…

Trong phạm vi bài viết nhỏ này, thử nhìn lại một vài sự việc nhỏ gần đây nhưng đã gây sự chú ý của dư luận, để cùng nhìn lại công tác quản lý và công tác cấp phép các hoạt động văn hóa như thế nào.

Quản lý văn hóa, trước hết cần những người có am hiểu và nhất là phải có văn hóa

Sự việc thứ nhất liên quan đến tập truyện ngắn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Cuốn sách vừa bị Sở Thông tin – Truyền thông (TT- TT) TP.HCM ra quyết định thu hồi với lý do “dâm ô, đồi trụy”.

Đây là một cuốn sách phát hành trên cả nước đã được nửa năm thì bỗng dưng có lệnh thu hồi. TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên và duy nhất  ra quyết định thu hồi cho đến thời điểm này.

Tuy nhiên, ngay lập tức nhiều nhà văn cũng như các nhà phê bình đều lên tiếng phản ứng mạnh mẽ. Đã có một cuộc tọa đàm được tổ chức vào ngày 8/11 vừa qua với sự tham dự của một số nhà văn, nhà phê bình có uy tín. Theo đó đa số ý kiến đều không đồng tình với quyết định thu hồi của Sở TT- TT TP.HCM.

Có thể thấy lĩnh vực quản lý văn hóa đang được làm… mỗi nơi một kiểu.

Trao đổi với báo chí, nhà văn Trung Trung Đỉnh cho biết: “Các đại biểu dự tọa đàm đã đọc rất kỹ cuốn sách này và không có ý kiến nào đồng tình với nhận định: Tác phẩm có nội dung “truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy”. Trong khi đó, trong một bài viết đăng trên Sài Gòn tiếp thị, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi đó là hành động bất thường.

Ông viết “Quả thật là bất thường đối với đời sống văn hóa, tinh thần của một xã hội đang cố gắng hoàn chỉnh về luật pháp của chúng ta. Nhưng ngẫm ra, cái sự bất thường đó lại vẫn là bình thường lâu nay”.

Sự việc thứ hai: Liên quan đến các đêm diễn của ca sĩ Chế Linh tại Việt Nam.

Mặc dù các đêm diễn trước đó của người ca sĩ được mệnh danh là “ông hoàng Bolero” này tại Đà Nẵng (29/10), Hà Nội (21/10 và 12/11) có gặp một số trục trặc, do đơn vị tổ chức sai phạm về quảng cáo tại Hà Nội, nhưng các đêm diễn được phép diễn ra và nhìn chung vẫn suôn sẻ.

Nhưng đến trước khi đêm diễn diễn ra tại TP.HCM một  ngày thì lại bị đình chỉ với lý do “chưa phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay”.

Lý do này được một số người đánh giá là rất mơ hồ, chung chung và vô thưởng vô phạt dành cho một chương trình ca nhạc.

Thông qua một vài ví dụ điển hình trên đây, có thể thấy lĩnh vực quản lý văn hóa đang được làm… mỗi nơi một kiểu.

Điều đáng nói là những quyết định hành chính được đưa ra đều rất cảm tính, mang nặng tính chủ quan theo kiểu “ông thích thì ông làm”. Bởi có cố gắng cách mấy người ta cũng không thể hiểu nổi cái lý do “trời ơi” như “chưa phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay” là gì. Chưa phù hợp là chưa ở điểm nào? Tại sao phải là hiện nay mà không phải là quá khứ hay tương lai? Và bao lâu nữa mới phù hợp? Tại sao TP.HCM lại không phù hợp trong khi tại các thành phố khác thì phù hợp?..

.Đối với cuốn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” cũng vậy. Vẫn với lối áp đặt chủ quan, các nhà quản lý đã vội vàng kết luận “truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy”, nhưng không giải thích cho dư luận và tác giả biết rằng nó “dâm ô” hay “đồi trụy” ở điểm nào? Đâu là cái thước đo để đánh giá những nhận xét đó?…

Không thể quản lý văn hóa một cách tùy tiện, thô bạo

Cứ sau mỗi cái quyết định như thế, thay vì phải giải thích cho dư luận được tỏ tường thì các cơ quan quản lý lại chọn cách im lặng. Sẽ có nhiều người tự hỏi liệu có những khuất tất gì đằng sau những quyết định ấy? Tại sao lại phớt lờ, thậm chí không tham khảo ý kiến của những người có kiến thức chuyên môn trước khi đưa ra quyết định?…

Sau những gì xảy ra, có thể thấy vẫn còn đâu đó những nhà quản lý đang thể hiện sự độc đoán hay theo kiểu “phép vua thua lệ làng”, lạm dụng uy quyền của mình để tha hồ phán xét, bất kể đúng sai và không quan tâm đến những người trong cuộc hay dư luận nghĩ gì, thậm chí là xem thường pháp luật.

Quản lý văn hóa là một việc khó, thậm chí rất khó. Nhưng không phải cứ thấy khó thì cấm theo kiểu “bắn lầm hơn bỏ sót”. Chính vì khó nên rất cần sự nghiêm chỉnh, thận trọng, cố gắng tìm hiểu phản ứng của dư luận trước khi ra quyết định, và cần nhất là sự trong sáng, công tâm và đủ tầm trí tuệ.

Một quyết định thu hồi nếu không chuẩn về mặt giá trị, sẽ là cái hố ngăn cách khiến cho độc giả không thể tiếp cận một tác phẩm hay. Đồng thời cũng làm thui chột ý tưởng, và nản lòng người sáng tạo nghệ thuật…

Một quyết định đình chỉ một đêm biểu diễn đã được ấn định từ trước sẽ là một sự phung phí rất lớn tiền bạc, công sức của những người thực hiện. Làm cho người ca sĩ lẫn người hâm mộ cảm thấy hụt hẫng, khó chịu. Riêng với đêm nhạc Chế Linh, được xem là nhạy cảm bởi yếu tố “nước ngoài”. Do đó, một quyết  định cấm đoán chóng vánh và bất thường sẽ khiến cho nhiều người dễ suy diễn sai.

Quản lý văn hóa đòi hỏi mỗi quyết định đưa ra không thể tùy tiện, mà cần dựa trên những quy định của pháp luật, khiến người thi hành tâm phục, khẩu phục.

Quản lý văn hóa, trước hết cần những người có am hiểu và nhất là phải có văn hóa. Chúng ta không thể quản lý văn hóa và văn hóa sẽ không thể phát triển hay được bảo tồn bằng cách ứng xử thô bạo, tùy hứng. Đó là một thực tế mà những người được giao trọng trách quản lý văn hóa, cần nhìn nhận và thấu hiểu.

(Bài viết đăng trên Tuần Việt Nam ngày 30.11.2011)

Đòi tăng giá điện: Ngán ngẫm và khó tin

Tháng Mười Một 22, 2011 5 bình luận

Câu hỏi được đặt ra là với các khoản lỗ khác thì sao? Ai sẽ là người nhận trách nhiệm? Số tiền thất thoát, thua lỗ do EVN quản lý yếu kém, đầu tư ngoài ngành gây ra sẽ được thu hồi và bằng cách nào? Hay nó lại tiếp tục được đẩy về phía người dân? Nếu cứ theo đà này thì người dân chẳng khác nào kẻ phải “đội lá” khi EVN “ăn bánh”.

Bài viết này đã đăng trên VEF.VN với tựa: EVN không sòng phẳng; Còn đây là bài đầy đủ.

Quả thật, người dân đã ngán đến tận cổ cái điệp khúc “lỗ” được phát ra liên tục từ phía Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong thời gian gần đây. Nhưng dường như chừng đó cũng chưa đủ “ép phê”, lần này, cái điệp khúc ấy được lãnh đạo Bộ Công thương lên tiếng và kèm theo đó là cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của EVN nếu giá điện không tăng.

Đến bao giờ thì EVN mới làm ăn có hiệu quả và thực sự chia sẻ khó khăn cùng người dân? (ảnh NLĐ)

Tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN vào chiều ngày 19.11 vừa qua thì trong năm 2010, giá bán điện bình quân thực hiện là 1.061,4 đ/kWh, trong khi đó giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.180,0 đ/kWh, tức là với chỉ riêng việc kinh doanh điện, EVN đã lỗ 10.162 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên một cuộc họp về giá điện như thế này được tổ chức công khai và năm 2010 cũng là năm đầu tiên EVN bị thua lỗ.

Mặc dù giá thành điện được công bố chi tiết thông qua các loại chi phí tại các khâu phát điện (916,2 đ/kWh), truyền tải (65,7 đ/kWh), phân phối (189,2 đ/kWh), phụ trợ và quản lý ngành (8,9 đ/kWh), nhưng những con số này vẫn không làm cho nhiều người thỏa mãn.

Được biết, đây là kết quả do Tổ công tác liên Bộ Công Thương – Tài chính kiểm tra thực tế trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua. Cuộc kiểm tra được căn cứ trên các văn bản của EVN cung cấp như báo cáo tài chính có kiểm toán độc lập kiểm toán, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2010 sau kiểm toán, hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện… Tuy nhiên, đây chỉ đơn thuần là cuộc kiểm tra về lỗ/lãi chứ chưa phải là cuộc kiểm toán toàn diện các loại chi phí và kiểm toán tính hợp lý của các loại chi phí đó.

Đáng nói hơn là kết quả công bố này hầu như không hề nhắc đến những yếu tố mà người dân thực sự quan tâm như thất thoát trong quá trình quản lý, đầu tư các dự án, các nhà máy điện hay các khoản lỗ do đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành và đặc biệt là trách nhiệm của những người có liên quan.

Sở dĩ EVN nhận được nhiều quan tâm của dư luận là bởi từ những năm 2006, 2007, EVN được đánh giá là đứng thứ 3 về đầu tư ngoài ngành, mà chủ yếu là các ngành không thuộc sở trường và thế mạnh của mình như: tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, du lịch, viễn thông… Đến nay, các khoản đầu tư trái ngành này đều mang lại cho EVN những kết quả thảm hại.

Điển hình là các vụ việc như: EVN từng góp vốn đầu tư vào Công ty CP chứng khoán Hà Thành, nhưng đến nay Cty này đã ngừng hoạt động với nghi án chủ tịch HĐQT đã “biến mất” sau khi ẵm gọn khoản tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỉ của các cổ đông; EVN cũng đầu tư vào các dự án bất động sản như điện lực Sài Gòn Vina, điện lực miền Trung, EVNLand Nha Trang… nhưng đều không có lối thoát; Nhưng nổi bật nhất vẫn là lĩnh vực viễn thông. Chỉ riêng năm 2010, EVN Telecom đã lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, dư luận rất không đồng tình trong việc trả lương thưởng của cán bộ công nhân viên đang làm việc cho EVN.

Trong một số bài viết về việc tăng giá điện được đăng tải trên VEF và các báo khác thì có rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả phản ánh tình trạng bất hợp lý này. Đa số đều bất bình và đặt nghi vấn rằng tại sao trong lúc dầu sôi lửa bỏng và đứng trước thực trạng làm ăn be bét của một số đơn vị trực thuộc EVN thì mức lương thưởng của nhân viên EVN rất cao, cao hơn rất nhiều so với các đơn vị khác và bỏ xa mức thu nhập trung bình của người dân? Thật khó mà thông cảm khi ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, than rằng ông cảm thấy “đau lòng” khi lương để hạch toán vào giá thành điện của cán bộ công nhân viên và lãnh đạo EVN (bình  quân đầu  người) “chỉ” ở mức … 7,3 triệu đồng/người/tháng. Liệu khi đưa ra con số này, ông Thanh có biết là nó rất phản cảm hay không?

Một điểm đáng lưu ý khác là tỉ lệ thất thoát điện năng đang ở mức rất cao. Chỉ riêng năm 2010, con số này là 10,25%. Đây là một tổn thất không nhỏ cho toàn nền kinh tế nói chung và EVN nói riêng. Với tỉ lệ thất thoát này, EVN rất xứng đáng được trao danh hiệu “đệ nhất thất thoát” trong tất cả các loại hình kinh tế trên phạm vi toàn thế giới.

Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù được báo chí thường xuyên nhắc tới và yêu cầu làm rõ những sự việc này nhưng người dân vẫn nhận được sự im lặng khó hiểu từ phía những người có trách nhiệm, trong khi chuyện đòi tăng giá thì vẫn được nghe nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thì con số nợ khủng của năm 2010 này sẽ được hạch toán vào giá điện. Tức là bất kể vì lý do gì, lỗ do yếu tố chủ quan hay khách quan, do cơ chế chính sách, do thiên tai hay nhân tai… thì dù thế nào đi nữa, người dân cũng phải gánh chịu.

Vậy câu hỏi được đặt ra là với các khoản lỗ khác thì sao? Ai sẽ là người nhận trách nhiệm? Số tiền thất thoát, thua lỗ do EVN quản lý yếu kém, đầu tư ngoài ngành gây ra sẽ được thu hồi và bằng cách nào? Hay nó lại tiếp tục được đẩy về phía người dân? Nếu cứ theo đà này thì người dân chẳng khác nào kẻ phải “đội lá” khi EVN “ăn bánh”.

Với đa số mọi người, việc tính giá thành hay tăng giá điện dù được giải thích như thế nào vẫn cảm thấy có một khoảng nào đó thiếu minh bạch nếu không muốn nói là rất mù mờ. Trong khi tình hình kinh tế lại đang rất khó khăn, thu nhập người dân đang bị hạn chế lại phải chịu rất nhiều chi phí gia tăng do giá cả tăng và đồng tiền mất giá. Thay vì tự so xét lại mình, đánh giá xem có hay không chuyện thất thoát, lãng phí, đầu tư cho công tác quản lý để đạt hiệu quả hơn… thì EVN luôn muốn đẩy những khó khăn, yếu kém đó về phía người dân. Đây là một biểu hiện của sự thiếu sòng phẳng khi EVN là đơn vị độc quyền cung cấp điện và đang sử dụng nguồn lực tài chính, tài nguyện dồi dào của quốc gia, mà thực chất là tiền thuế do nhân dân đóng góp.

Mặc dù EVN liên tục than lỗ nhưng trong con mắt nhiều người vẫn có cái gì đó gờn gợn và rất khó tin. Nếu mọi chuyện vẫn u u minh minh, không được tách bạch và làm rõ thì dù EVN có bị vỡ nợ đi chăng nữa cũng khó mà thuyết phục được người dân, bởi đa số vẫn tin rằng, những con số lỗ hay nợ khủng kia vẫn mang nặng yếu tố chủ quan, là do sự buông lỏng, quản lý yếu kém, thất thoát mà ra.

Đến bao giờ thì những ông độc quyền như EVN mới làm ăn có hiệu quả và thực sự là người bạn biết chia sẻ khó khăn cùng người dân? Chỉ có lãnh đạo EVN và cao hơn nữa là lãnh đạo Bộ Công thương mới có khả năng trả lời, còn người dân thì vẫn phải chờ, chờ trong vô vọng hoặc phải ngậm ngùi chấp nhận “móc hầu bao” trong nỗi ấm ức mà thôi.

  • Trần Minh Quân

KHÔNG THỂ KHÁC!

Tháng Mười Một 17, 2011 3 bình luận

1. Hai người bạn trò chuyện với nhau:

– Mày có biết tham nhũng là xấu xa lắm không? – Có biết; – Mày có biết những đồng tiền tham nhũng là mồ hôi nước mắt của người dân, trong đó có cả những người là bà con, cô bác, anh chị… của mày không? – Có biết; – Thế mày có biết người ta đang ca thán, nguyền rủa những thằng như mày không? – Có biết; Vậy tại sao mày vẫn cứ tham nhũng? – Vì không thể khác được mày ạ! Tao không làm thế thì bị xem là “thành phần cá biệt” như chơi, nguy lắm.

2. Một người bạn trò chuyện với bác sĩ:

– Ông có nghe người ta đang nói nhiều đến hiện tượng “phong bì”, “phong bao” trong bệnh viện không? – Có nghe; Ông có là “đối tượng” của tình trạng đó không? – Tôi cũng không là ngoại lệ; – Thế ông có biết người nhà bệnh nhân đã phải rất khổ sở, họ đang chạy đến muốn lìa đôi chân, phải khóc đến hết nước mắt, phải cố nhịn ăn, nhịn uống mới có được một khoản tiền nhỏ để khám chữa bệnh hay không? – Có biết; – Ông có biết là ông quá ác và quá nhẫn tâm khi đòi hỏi những đồng tiền của những người khốn khổ đó hay không? – Đôi lúc tôi cũng cảm thấy xấu hổ nhưng … ; – Không nhưng nhị gì hết! – Tôi cam đoan là ông đều biết, biết tất tần tật. Nhưng tôi không hiểu tại sao ông lại làm thế? – Vì không thể khác được ông ạ! Ai cũng làm vậy thì khác thế đ. nào được.

3. Một người bạn trò chuyện với thầy giáo:

– Là thầy giáo chắc ông có biết đến chuyện chạy trường, chạy lớp chứ? – Tất nhiên!; – Thế ông nghĩ sao về thực trạng này? – Ui chà, ai có nhu cầu thì cứ chạy chứ nghĩ với ngợi gì? – Tôi nghe nói ở nhiều trường người ta ra giá hẳn hoi, có khi lên đến vài chục ngàn USD cho mỗi suất luôn đó? – Có nghe; – Thế ông có từng tham gia mấy vụ này không? – Cũng đôi khi vì một vài mối quan hệ mà phải đành chấp nhận thôi; – Thế ông có biết làm vậy là bất công với những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn và vi phạm đạo đức làm thầy không? – Thì tôi chỉ … cải thiện đời sống thôi mà. Vã lại mấy ông quan chức, bác sĩ… thu nhập cao ngất ngưỡng còn là thế huống hồ thu nhập ba cọc, ba đồng như tôi …; – Chẳng lẽ vì mấy đồng tiền mà ông bán rẻ danh dự cao quý của người thầy mà xã hội đã dành cho ông sao? – Vì không thể khác được ông ạ! Tôi không làm thì người khác cũng làm thôi mà.

Trên đây chỉ là vài ví dụ điển hình cho một xu hướng “không thể khác được” đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày hiện nay. Dường như để khỏa lấp hay đánh lừa cảm nhận của mình về những gì đang tồn tại như một thứ dịch bệnh thì không có gì tốt hơn là đẩy trách nhiệm về phía cơ chế hay xu hướng xã hội. Bởi nói là do cơ chế, do xu hướng thì không thể cưỡng lại được, không thể thay đổi được, và tất nhiên mục đích cuối cùng là để chối bỏ những tội lỗi của mình.

Thật không thể chấp nhận được khi chỉ vì lòng tham mà người ta đã đánh mất lương tri, đạo đức hay giá trị dù chỉ đang loe loét của chính mình. Vì tiền người ta sẵn sàng chấp nhận lấy đi những gì còm cỏi nhất, cơ cực nhất và kể cả niềm hy vọng nhỏ nhoi của người dân nghèo, trong đó có cả những người thân của mình.

Đáng buồn thay khi những chuyện vốn được xem là hy hữu, là đáng lên án ở những xã hội tiên tiến khác lại được xem là “chuyện thường ngày ở huyện” ở quê hương mình.

Hôm kia, tôi có nghe một câu chuyện về gia đình một ông cán bộ công an ở huyện nọ. Sau khi đã về hưu an hưởng tuổi già với cơ ngơi được xem là khá đồ xộ ở một vùng nông thôn nghèo. Nhưng oái ăm thay, nghỉ ngơi chưa được vài hôm thì được tin thằng con trai lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do cá độ đá banh, đánh bài đánh bạc.

Đáng nói là số nợ này đã tích tụ từ nhiều năm nay, tức từ lúc ông bố còn đương chức. Cậy thế cha, cậu con trai mượn tiền khắp nơi, số nợ lên đến con số mấy tỉ đồng. Giờ người cha hết chức quyền rồi thì cũng là lúc chủ nợ đến đòi tiền và có khả năng phải bán nhà, bán đất tất tần tật để trả nợ cho con.

Nhiều người thầm nghĩ: Của thiên thì trả địa mà thôi. Thật là đơn giản. Một sự thật đơn giản đến hiển nhiên.

Lẽ thường, những đồng tiền do mồ hôi, nước mắt kiếm ra thì người ta mới thực sự quý, chứ còn tiền từ trên trời rơi xuống, từ những phi vụ “áp phe”, làm ăn bất chính thì rồi cũng bỏ ta mà đi, không bằng cách này thì cách khác.

Trong khi đa phần những người dân lao động chân chính đang phải vật lộn với bao nhiêu thứ bộn bề trong khó khăn chồng chất thì vẫn còn đâu đó rất nhiều người đang nhỡn nhơ tiêu xài phung phí những đồng tiền của người khác, lại còn tỏ ra tự hào vì điều đó. Thật là trơ tráo khôn cùng.

“Không thể khác”, “Không thể khác”… Không biết đến bao giờ cái điệp khúc khốn nạn ấy sẽ thôi được cất lên mỗi khi có người nhắc đến?

Nếu cứ kêu mãi kêu ca “không thể khác” trong khi chẳng có gì khác cả thì rồi đây cái kết cục bi thảm “không thể khác” như ông quan huyện kia hay còn hơn thế nữa sẽ vẫn đang chờ đợi ở phía trước. Đó là kết quả hiển nhiên mà thôi.

  • Trần Minh Quân

Bệnh tay chân miệng và câu hỏi với Bộ Y tế

Tháng Mười Một 16, 2011 2 bình luận

Vụ án bắt cóc chỉ liên quan đến một em bé nhưng đã nhận được sự chú ý và quan tâm rất lớn của dư luận nói chung và ngành y tế nói riêng bởi xét cho cùng sự sống, tính mạng của con người là quan trọng nhất. Trong khi đó dịch bệnh tay chân miệng liên quan đến sinh mệnh hàng chục ngàn người thì lại nhận được sự quan tâm không tương xứng từ ngành y tế.

Bệnh tay chân miệng (TCM) đang hoành hành ở mọi nơi trên toàn quốc. Tính đến thời điểm này, bệnh TCM đã xuất hiện tại hầu hết 63 tỉnh thành, số ca nhiễm bệnh đang tiến sát con số 90.000 và đã có gần 150 trường hợp tử vong. Đáng nói là tình hình vẫn còn đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Quả thật, đây là một thực tế đáng báo động, gây hoang mang trong xã hội.

Công bố dịch là… hành động vĩ đại?

Đã có nhiều ý kiến cho rằng các địa phương và cả Bộ Y tế cần công bố dịch để xã hội nhận thức rõ hơn về mức độ nguy hiểm cũng như dành sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác phòng chống dịch TCM của ngành. Tuy nhiên những cảnh báo này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của những người có trách nhiệm. Nhiều người đã cảm thấy thất vọng và hoài nghi trước sự im lặng đáng sợ này.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp và dường như đã vượt quá khả năng chịu đựng nên điều gì đến ắt phải đến. Tỉnh Ninh Thuận là địa phương đầu tiên công bố dịch. Theo đó, lý do để công bố dịch được nêu ra là toàn tỉnh đã phát hiện 471 trường hợp mắc bệnh, 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2010 tăng 23,7 lần. Bệnh xuất hiện ở 54/65 xã, phường trên phạm vi 7/7 huyện, thành phố.

Đến nay, Ninh Thuận vẫn là địa phương đầu tiên và duy nhất dám “dũng cảm” tuyên bố… có dịch. Sự việc ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận, đến mức một bài viết trên báo Lao động đánh giá đây là một hành động vĩ đại, trong khi đáng lý ra việc này nên được xem là tất nhiên và phải công bố từ lâu.

Khi phát biểu trên Tuổi trẻ, ông Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho rằng: “Khi mức độ ca mắc bệnh tăng ít nhất gấp ba lần các năm trước đó, xuất hiện nhiều ca bệnh nặng, tử vong hơn trước là có thể công bố dịch”. Vậy mà cho đến khi không kiểm soát nổi, tăng đến 23,7 lần so với năm trước, Ninh Thuận mới chấp nhận công bố dịch.

Trong khi đó thì tại Quảng Ngãi, có thời điểm số tử vong lên đến 5 trường hợp và tỉ lệ mắc bệnh cao gấp … 45 lần so với cùng kỳ năm trước mà địa phương này vẫn “ngoan cố” không chịu công bố dịch.

Khi trả lời báo VietNamNet, một số quan chức ngành y tế Quảng Ngãi khẳng định đã kiểm soát được bệnh TCM và hiện nay số ca nhiễm bệnh đã giảm đến 80% thì Ninh Thuận lại bắt đầu công bố dịch. Xét về tương quan lực lượng y bác sĩ, trang thiết bị khám chữa bệnh và điều kiện kinh tế giữa hai địa phương nghèo của miền Trung này thì những con số báo cáo tại Quảng Ngãi thật đáng ngờ, nhất là trước đó Quảng Ngãi từng là địa phương có số ca mắc bệnh TCM cao nhất trong khu vực.

Quá bức xúc trước tình trạng bệnh TCM bùng phát, TS Nguyễn Văn Khải đã đề xuất một phương pháp điều trị bằng dung dịch Anolyt. Đáng nói là TS Khải, với biệt danh “ông già Ozon”, cam kết chữa bệnh miễn phí cho người dân và những gì đang diễn ra tại Ninh Thuận đang có những chuyển biến tích cực.

Mặc dù phương pháp của TS Nguyễn Văn Khải vẫn còn nhiều tranh cãi, hoài nghi và cần nhiều thời gian hơn để kiểm chứng, nhưng rõ ràng sự xông xáo của ông lại trái ngược hoàn toàn với những gì ngành y tế đang thể hiện. Dường như sự xuất hiện của một người “ngoại đạo” như ông đã khiến cho không ít người trong ngành y tế “tự ái”. Và kết cục là đã có yêu cầu TS Khải phải ngưng chữa bệnh TCM không cần đối chất, tranh luận hay kiểm chứng của ngành y tế.

Bệnh tay chân miệng (TCM) đang hoành hành ở mọi nơi trên toàn quốc. Ảnh: TTO

Tại sao lại sợ công bố dịch?

Trước những thực tế đó thì Bộ Y tế vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình, đó là không công bố dịch. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế lại cho biết sẽ công bố dịch nếu có địa phương thứ hai công bố dịch. Đến đây thì nhiều người sẽ tự hỏi tại sao một hành động rất có trách nhiệm, dám nhìn nhận sự thật này tại Ninh Thuận lại được xem là vĩ đại? Và, tại sao người ta lại sợ phải công bố dịch đến thế?

Sau những gì đã xảy ra, chỉ có ba cách lý giải hiện tượng này một cách chính xác nhất. Một là bệnh TCM quá khó chữa trị, vượt ra ngoài khả năng của ngành y tế. Hai là những người có trách nhiệm trong ngành y tế của địa phương và trung ương vẫn đang thờ ơ với tính mạng của người dân, ở đây là trẻ em, xem bệnh TCM như là bệnh của ai đó chứ không phải bệnh của người thân, của con em mình. Ba là người ta sợ khi công bố dịch bệnh sẽ làm những báo cáo thành tích hàng năm vốn vẫn thường được tô hồng ấy bị nhạt màu.

Sau những gì đã xảy ra, chỉ có ba cách lý giải hiện tượng này một cách chính xác nhất. Một là bệnh TCM quá khó chữa trị, vượt ra ngoài khả năng của ngành y tế. Hai là những người có trách nhiệm trong ngành y tế của địa phương và trung ương vẫn đang thờ ơ với tính mạng của người dân, ở đây là trẻ em, xem bệnh TCM như là bệnh của ai đó chứ không phải bệnh của người thân, của con em mình. Ba là người ta sợ khi công bố dịch bệnh sẽ làm những báo cáo thành tích hàng năm vốn vẫn thường được tô hồng ấy bị nhạt màu.

Với dịch bệnh TCM thì vậy, trong khi đó ta có thể thấy Bộ Y tế rất “nhanh nhẹn” trong vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở bệnh viện phụ sản trung ương. Sau khi bên công an tìm được đứa trẻ bị bắt cóc thì ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có bằng khen cho tổ công tác này.

Vụ án bắt cóc chỉ liên quan đến một em bé nhưng đã nhận được sự chú ý và quan tâm rất lớn của dư luận nói chung và ngành y tế nói riêng bởi xét cho cùng sự sống, tính mạng của con người là quan trọng nhất. Trong khi đó dịch bệnh TCM liên quan đến sinh mệnh hàng chục ngàn người thì lại nhận được sự quan tâm không tương xứng từ ngành y tế.

Từ khi nhậm chức Bộ trưởng bộ Y tế đến nay, có lẽ ấn tượng nhất mà bà Nguyễn Thị Kim Tiến để lại là quyết tâm tăng viện phí và tặng bằng khen. Còn những việc liên quan thiết thực đến đời sống của người dân như dịch bệnh TCM đang diễn ra và dịch vụ y tế thì dường như không có gì thay đổi so với trước đây, ngay cả trong lời hứa.

Nếu những vấn đề còn tồn tại được nhắc đến trong nhiều năm qua của ngành y tế đều được xử lý nhanh nhẹn và tích cực theo phong cách của việc đòi tăng viện phí hay tặng bằng khen kia thì người dân sẽ được an ủi vui mừng biết mấy.

(Bài viết đăng trên Tuần Việt Nam ngày 16.11.2011)

Khi xe buýt cũng biết “hành là chính”

Tác giả: Vệ Đình (*)

Xe buýt là một phương tiện văn minh, hiện đại, được áp dụng và nhận được sự ủng hộ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, ngay cả vị lãnh đạo của một đơn vị vận tải xe buýt như ông Nguyễn Trọng Thông cũng phải thừa nhận là: “Chưa thấy ai khen xe buýt, nhưng la ó thì nhiều”. Đây quả là một thực tế đáng buồn và nhất định phải thay đổi.

Cứ ngỡ nạn chèn ép, hành hung hành khách như đã từng xảy ra trước đây trên những chuyến xe khách đường dài đã là quá vãng thì nay nó lại xuất hiện, ngay tại nơi phố thị, trên những chuyến xe được quảng bá với rất nhiều mỹ từ như: An toàn, văn minh, lịch sự….

“Hung thần” nội thị?

Vào ngày 22.10 vừa qua, trên chuyến xe buýt BKS 30K-1550, chạy tuyến 34, lái xe Đỗ Hữu Long và nhân viên bán vé Nguyễn Chí Thanh đã có hành vi đạp, đánh và bắt hành khách, là anh Nguyễn Ngọc Phúc, phải quỳ xin thì mới cho xuống xe. Sự việc này ngay lập tức đã khiến cho nhiều người bất bình và căm phẫn.

Đáng nói là cách hành xử theo lối côn đồ và vô văn hóa này của nhân viên xe buýt không phải là cá biệt.

Vào ngày 11.3.2011, khi đón xe buýt để đến trường dạy học, thấy 2 cửa xe buýt đều mở, ông Nguyễn Hoài Giang bước lên cửa sau thì bị tài xế xe mang BKS 53N-4160 của Công ty Citranco, tên Võ Hồng Chiên truy cản với lời lẽ xúc phạm. Khi ông giải thích do không biết và đề nghị tài xế không được xúc phạm, ông bị tài xế đấm vào bụng 2 cái. Khi hành khách trên xe phản ứng thì tài xế trên mới chịu thôi.

Cũng tại TP.HCM, vào ngày 21.05.2009, trên chuyến xe buýt mang BKS 53N- 4382 đi từ Bến Thành về Q.12, khi hành khách là anh Thân Minh Ngọc yêu cầu phụ xe mở máy lạnh vì quá nóng, phụ xe đã từ chối vì lý do vận hành máy lạnh sẽ tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn. Thế là đôi bên lời qua tiếng lại và phụ xe Trần Văn Long đã dùng khối gỗ đánh vào đầu anh Ngọc, máu chảy đầm đìa.

Và còn rất nhiều sự việc khác tương tự đã xảy ra với cách thức và mức độ khác nhau. Chuyện lời qua tiếng lại, quát nạt, chửi bới, nhồi nhét … hành khách đã là “chuyện thường ngày ở huyện” mà rất nhiều người đã phản ánh.

Không chỉ phục vụ khách theo kiểu…hành, xe buýt luôn là nỗi ám ảnh thường trực cho người đi đường. Có rất nhiều vụ ùn tắc giao thông hay tai nạn gây chết người do xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, lấn tuyến, tranh giành hành khách… đã xảy ra. Nếu gọi những chiếc xe ben là hung thần trên xa lộ thì xe buýt xứng đáng được gọi là hung thần trong nội thị. Đến nỗi có người còn ví xe buýt bằng một hình ảnh rất ấn tượng, đó là những chiếc quan tài bay.

Xe buýt từ lâu đã nhận được sự ưu ái đặc biệt của ngành GTVT nói riêng và của xã hội nói chung. Trên nhiều tuyến đường, mặc dù cấm xe ô tô nhưng xe buýt vẫn được lưu hành. Thường thì tài xế xe buýt chẳng xem CSGT ra gì khi hàng ngày vẫn ngang nhiên phạm luật. Đồng thời, xe buýt đang nhận được sự trợ cấp rất lớn từ ngân sách Nhà nước.

Phải chăng xe buýt đang tự xem mình là đứa con cưng, do được quá nuông chiều nên mới ra cơ sự như ngày hôm nay?

Sau khi bị đánh và bắt quỳ, anh Phúc được tài xế cho xuống bằng cửa trước. Ảnh: Tiến Dũng – VNE

Văn hóa xe buýt… báo động đỏ?

Mặc dù đã được phản ánh rất nhiều nhưng đến khi xảy ra sự việc tài xế, phụ xe buýt bắt hành khách phải quỳ lạy, van xin mới mở cửa cho xuống thì đã đến lúc nạn hành xử thô bạo, vô văn hóa của nhân viên xe buýt nói chung đã thực sự cần báo động đỏ.

Không ai cho phép một người phụ xe, tài xế xe buýt có quyền hạch sách, dọa nạt, hạ nhục, thậm chí đánh đập… hành khách, nhưng phải chăng vì thiếu văn hóa hay tiêm nhiễm thói cửa quyền, hách dịch từ cấp trên của mình mà ra?  Hay do được quá ưu ái quá nhiều nên họ đã lầm tưởng rằng mình có quyền ban phát dịch vụ vận tải cho người khác? Lý nào xe buýt cũng được quyền “hành là chính” như vốn thấy ở các cơ quan công quyền?

Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho nạn ùn tắc giao thông đang là nỗi nhức nhối của xã hội hiện nay, xe buýt dường như là lối thoát duy nhất trong ngắn hạn, thì sự việc trên, tiếc thay chẳng khác nào như một cái tát, tát thẳng vào mặt những nhà quản lý, điều hành ngành GTVT, mà cụ thể là lời kêu gọi đúng đắn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, hạn chế xe cá nhân để sử dụng xe buýt.

Theo các số liệu thống kê thì hiện nay, tại TP.HCM xe buýt chỉ đáp ứng khoảng 7.5% nhu cầu đi lại của người dân. Còn đối với Hà Nội con số đó là khoảng 10%. Đối tượng chính sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển thường là học sinh, sinh viên, công nhân và người thu nhập thấp.

Điều  này cho thấy khả năng đáp ứng của xe buýt còn rất hạn chế so với nhu cầu đi lại và chưa nhận được sự ủng hộ của mọi thành phần trong xã hội. Có nghĩa là khả năng phát triển của xe buýt là rất lớn. Xe buýt hoàn toàn có thể thay thế các phương tiện di chuyển khác nếu cải thiện được chất lượng và hình ảnh của mình.

Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) thì: “Chất lượng dịch vụ xe buýt được cấu thành bởi 5 yếu tố: Chất lượng mạng lưới tuyến xe buýt; chất lượng hạ tầng xe buýt; chất lượng đoàn phương tiện; chất lượng đội ngũ công nhân lái xe-nhân viên bán vé và chất lượng kiểm soát- điều hành”. Trong 5 yếu tố trên thì chất lượng đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ là tương đối độc lập, không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như cơ sở hạ tầng hay tài chính và có thể điều chỉnh ngay nếu được quan tâm đúng mức.

Lời giải cho thực trạng này không ở đâu xa mà ở ngay trong chính các đơn vị vận tải xe buýt nói riêng và ngành GTVT nói chung. Quan trọng là những người có trách nhiệm đủ can đảm đối diện với sự thật và xắn tay áo lên giải quyết. Chỉ khi nào bài toán chất lượng xe buýt được giải quyết thì mọi cố gắng cứu vãn nạn ùn tắc giao thông và “văn hóa xe buýt” mới đi vào cuộc sống.

Hiện nay, công tác tuyển dụng, đào tạo nhân viên xe buýt tương đối đơn giản. Với mỗi nhân viên, sau khi được tuyển dụng thì chỉ được làm quen với công việc thực tế vài ngày là có thể chính thức nhận việc. Yêu cầu chính là phải đảm bảo đúng tuyến, đúng giờ còn công tác đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp nơi công cộng hầu như không có, mà đây mới chính là yếu tố chính tạo nên chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên xe buýt.

Trong khi đó, hình thức xử phạt nặng nhất mỗi khi nhân viên xe buýt xô xát, thậm chí đánh đập hành khách vẫn chỉ dừng lại ở mức buộc thôi việc. Với công tác đào tạo và mức xử phạt như thế này thì tình trạng đối xử thô bạo, vô văn hóa với hành khách vẫn sẽ còn kéo dài chưa có hồi kết.

Xe buýt là một phương tiện văn minh, hiện đại, được áp dụng và nhận được sự ủng hộ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, ngay cả vị lãnh đạo của một đơn vị vận tải xe buýt như ông Nguyễn Trọng Thông cũng phải thừa nhận là: “Chưa thấy ai khen xe buýt, nhưng la ó thì nhiều”. Đây quả là một thực tế đáng buồn và nhất định cần thay đổi.

Lời giải cho thực trạng này không ở đâu xa mà ở ngay trong chính các đơn vị vận tải xe buýt nói riêng và ngành GTVT nói chung. Quan trọng là những người có trách nhiệm đủ can đảm đối diện với sự thật và xắn tay áo lên giải quyết. Chỉ khi nào bài toán chất lượng xe buýt được giải quyết thì mọi cố gắng cứu vãn nạn ùn tắc giao thông và “văn hóa xe buýt” mới đi vào cuộc sống.

(Bài viết đăng trên Tuần Việt Nam ngày 27.10.2011)

 (*) Vệ Đình: Bút danh khác của tôi